Mục Lục
PHẨM THỨ NHẤT : DUYÊN KHỞI
PHẨM THỨ HAI : MƯỜI TÂM THÙ THẮNG
PHẨM THỨ BA : NIỆM PHẬT CÔNG ĐỨC
PHẨM THỨ TƯ : XƯNG TÁN DANH HIỆU
PHẨM THỨ NĂM : QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG
PHẨM THỨ SÁU : NĂNG LỰC BẤT TƯ NGHỊ CỦA DANH HIỆU PHẬT
PHẨM THỨ BẢY : KHUYẾN PHÁT NIỆM PHẬT VÀ ĐỌC TỤNG CHƠN NGÔN
Phẩm Thứ Sáu: NĂNG LỰC BẤT TƯ NGHỊ CỦA DANH HIỆU PHẬT
- “Nầy Vi-đề-hy, đức Thích-ca Mâu-ni Thế-tôn trọn đời giáo hóa điều phục chúng sinh, đã ban bố tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập. Nhưng trong đó, niệm Phật là thù thắng đệ nhất.
Vi-đề-hy, trong quá khứ vô lượng vô biên na-do-tha kiếp, các đức Phật Như-lai đã dùng hằng hà sa phương tiện, thí dụ, ngôn thuyết, để diễn bày vô số pháp môn tu tập, đưa hết thảy chúng sanh vào Cảnh Giới Giải Thoát Tối Thượng Nhứt Thừa. Nhưng duy chỉ có niệm Phật là cứu cánh đệ nhất.
Vi-đề-hy, hiện tại nơi trăm nghìn muôn ức na-do-tha quốc độ khắp mười phương, các đức Phật Chánh-đẳng-giác cũng đang dùng hằng hà sa phương tiện, ngôn thuyết, thí dụ để diễn bày vô số pháp môn tu tập, đưa hết thảy chúng sanh dung hóa vào Không-tánh, Niết-bàn Diệu-tâm Như-lai Tạng, nhưng duy chỉ có niệm Phật là hữu hiệu, siêu việt đệ nhất.
Tại sao vậy?
Nầy Vi-đề-hy, hãy kiên nhẫn lắng nghe. Ta sẽ vì các hạng nữ nhân nơi thời Mạt pháp, cũng như người hiện nay, mà tuyên dương tất cả năng lực bất tư nghị của danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật.
1. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào, hễ nhất tâm xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, dù chỉ một câu duy nhất, thì sẽ xuất sanh những món năng lực bất tư nghị. Như là:
Năng lực bất tư nghị phân biệt rốt ráo tự tánh của tất cả các pháp.
Năng lực bất tư nghị thấy rõ tánh chất huyễn hóa của tất cả pháp hữu vi.
Năng lực bất tư nghị thấu triệt tất cả các pháp đều là Phật pháp ở nơi ý nghĩa liễu giải không vướng mắc.
Năng lực bất tư nghị tôn trọng và thừa sự hết thảy chư vị Thiện-tri-thức.
Năng lực bất tư nghị phân biệt tất cả các pháp mà tự tại vô ngại.
Năng lực bất tư nghị tùy thuận tất cả căn lành dẫn dắt tới Vô-thượng-giác.
Năng lực bất tư nghị luôn thâm tín điều nhu tất cả Phật Pháp.
Năng lực bất tư nghị đại từ bi khoan dung, không chê bai khinh rẻ những môn phi pháp.
Năng lưc bất tư nghị không bao giờ thối thất Bồ-đề-tâm, Bồ-đề-nguyện.
Năng lực bất tư nghị không hề quên sót danh hiệu Phật.
Năng lực bất tư nghị mãi mãi tùy thuận Bản-nguyện của chư Phật, chư Bồ-tát.
Năng lực bất tư nghị đưa hết thảy chúng sanh an trụ vào biển cả Đại-nguyện vô lượng công đức của đức Phật A-di-đà.
Năng lực bất tư nghị cải biến Ta-bà thành Tịnh-độ vi diệu trang nghiêm, đồng cõi Cực-lạc không khác.
2. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào chấp trì danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, trọn đời nhất tâm xưng niệm không chán mỏi, thì sẽ đắc thắng những pháp vô cấu nhiễm, nghĩa là không dính mắc.
Không dính mắc tất cả cảnh giới bên trong và bên ngoài.
Không dính mắc hơi thở và sự điều hòa hơi thở.
Không dính mắc các tâm sở tầm, tư.
Không dính mắc vào những trạng thái hỷ, lạc, khinh an...
Không dính mắc vào trạng thái xả, nhất tâm.
Không dính mắc vào Không-vô-biên-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ...
Không dính mắc vào tất cả pháp hữu lậu cũng như vô lậu.
Không dính mắc vào tất cả những pháp đã học.
Không dính mắc vào tất cả những căn lành.
Không dính mắc vào tất cả chỗ thọ sanh, giai tầng xuất thân, gia thế, dòng dõi.
Không dính mắc vào tất cả giới luật, thiền định, công hạnh tu tập.
Không dính mắc vào ý nguyện mong cầu xuất ly, giải thoát.
Không dính mắc vào tất cả sự biện giải và tranh cãi.
Không dính mắc vào sự nỗ lực để tinh tấn.
Không dính mắc vào tư tưởng chán ghét thế gian.
Không dính mắc vào tất cả pháp tương-ưng-hành và những pháp bất-tương-ưng-hành.
Không dính mắc vào ngay cả danh hiệu Phật.
3. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào siêng năng xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật chẳng lười mỏi, chẳng lui sụt, thì chắc chắn phát huy những Pháp Chân Thật, nghĩa là không dối gạt.
Không dối gạt tự thân.
Không dối gạt tha nhân.
Không dối gạt quốc pháp.
Không dối gạt vì bị áp chế bởi quyền lực kẻ mạnh.
Không dối gạt vì bị thao túng bởi nữ sắc.
Không dối gạt chư vị Thiện-tri-thức như Sư-trưởng, bạn đồng học, đồng tu.
Không dối gạt tất cả những pháp đã học.
Không dối gạt tất cả những pháp chưa học.
Không dối gạt đoàn thể Tăng-già.
Không dối gạt chỗ tri giải của tự tâm.
Không dối gạt chỗ nhận biết của người khác.
Không dối gạt tất cả chư Thánh Nhân, Bồ-tát, Như-lai.
4. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào thường xuyên xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật thiết tha, hân ngưỡng, dẫu gặp cảnh ngộ nào cũng chẳng thối chí, thì chiêu cảm những hạnh lành bất tư nghị. Như là:
Tự-tại-hạnh, vì an nhiên giữa tất cả chướng duyên nơi cõi Ta-bà để thành tựu thệ nguyện.
Tam-muội-hạnh, vì nhất tâm, bất loạn.
An-trụ-hạnh, vì luôn luôn an trụ trong lực dụng của danh hiệu Phật.
Trí-huệ-hạnh, vì hiểu biết tất cả tướng trạng và thú hướng của Nhân Quả.
Thiện-hữu-hạnh, vì cung kính tôn trọng cúng dường tất cả Thiện-tri-thức để học hỏi Phật Pháp.
Cầu-pháp-hạnh, vì khát khao mong cầu pháp Bí-mật-tạng, Liễu-nghĩa-tạng của Nhứt-thừa-đạo.
Sám-hối-hạnh, vì thường đem cả ba nghiệp trong sạch mà đối trước chư Phật, chư Bồ-tát phát thệ sám hối, nguyện từ nay về sau không tái phạm.
Trang-nghiêm-hạnh, vì luôn luôn đem hết thảy công đức hồi hướng trang nghiêm cõi Phật.
Trì-giới-hạnh, vì khéo giữ gìn giới luật không sai sót.
Như-lai hạnh, vì phát nguyện thành tựu mọi ước muốn của hết thảy chúng sanh.
5. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào kiên trì, dũng mãnh, xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, như mũi tên bắn thẳng tới đích nhắm, thì thành tựu những pháp Tinh Tấn, nghĩa là không mỏi nhọc nhàm chán. Như là:
Thân cận tất cả thiện-tri-thức để cầu học, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Thọ trì tất cả Phật Pháp, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Nghe học Chánh Pháp Như-lai, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Quán sát tư duy tất cả Phật Pháp, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Thấy rõ chúng sanh ngỗ nghịch cang cường, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Giáo hóa và điều phục tất cả chúng sanh vào pháp môn niệm Phật, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Đối trước những chướng duyên hiểm nạn, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Nhìn Phật đạo dài xa, trắc trở, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Cúng dường tất cả thiện-tri-thức như cúng dường chư Phật, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
Thực hành Bồ-Ttát hạnh, mà tâm không mỏi nhọc nhàm chán.
6. Nầy Vi-đề-hy, Bất cứ chúng sanh nào khẩn thiết, chí thành xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, không xao lãng, thì chứng đắc những pháp giác tri siêu việt, tối thắng. Như là:
Giác tri tất cả pháp đều cùng một thể tánh, như lưu ly sáng sạch và thanh tịnh như hư không.
Giác tri tất cả pháp luôn hiện bày vô lượng tướng.
Giác tri tất cả pháp đều xuất phát từ một niệm.
Giác tri tất cả cảnh trạng nhiễm, tịnh của thế gian đều do thiện nghiệp và bất thiện nghiệp của chúng sanh hiện ra.
Giác tri tất cả phiền não, tập khí của chúng sanh đều do vô minh sanh khởi.
Giác tri tất cả sở hành của chúng sanh đều như huyễn.
Giác tri tất cả vọng nghiệp sai biệt của chúng sanh đều lưu xuất từ chân như thường.
Giác tri bản nguyện lực của chư Phật là thậm thâm vi diệu khó nghĩ bàn.
Giác tri năng lực hộ trì của chư Phật không bao giờ bỏ sót một chúng sanh nào cả.
Giác tri tất cả Phật độ đều bình đẳng, vô ngại.
7. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào chuyên tâm trì niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, dẫu chỉ một ngày cho tới bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì cảm ứng những năng lực tổng trì không thể nghĩ bàn. Như là:
Tổng trì tất cả phước đức, thiện căn đã tích tập trong nhiều kiếp quá khứ, phát sanh trí tuệ giải thoát.
Tổng trì tất cả pháp quyết định chân thật, đoạn trừ hết những nghi ngờ, lầm lẫn.
Tổng trì tất cả nghĩa lý bí mật của Như-lai thừa.
Tổng trì tất cả nghĩa lý sâu mầu của khế kinh do đức Thích-ca giảng nói.
Tổng trì tất cả Bản-nguyện chư Phật ba đời, mà phát tâm hoan hỷ.
Tổng trì tất cả vi tế hạnh của chư Bồ-tát.
Tổng trì tất cả Tam-muội, thu nhiếp vào trong Niệm Phật Tam-muội, như sữa hòa tan trong nước.
Tổng trì tất cả xu hướng Đại-thừa mà không chống trái.
Tổng trì Không tánh của tất cả pháp hữu vi hoặc vô vi, siêu việt hữu, vô, đoạn, thường...
8. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào hoan hỷ xưng tán hoặc cung kính chấp trì danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật dẫu chỉ một niệm, cho tới mười niệm, hoặc nhiều lần của mười niệm, thì sẽ âm thầm khế hợp với những thứ Tâm Bình Đẳng. Như là:
Tâm bình đẳng, tích tập, lưu xuất, và thành tựu tất cả thiện căn, công đức của chư Phật, chư đại Bồ-tát.
Tâm bình đẳng, phát khởi và kiên định tất cả thệ nguyện.
Tâm bình đẳng nơi các sắc thân, tướng mạo sai biệt của hết thảy chúng sanh.
Tâm bình đẳng nơi nghiệp báo, thú hướng của hết thảy các loại chúng sanh.
Tâm bình đẳng nơi tất cả tri kiến đúng sai, lành dữ tốt xấu... của hết thảy các loại chúng sanh.
Tâm bình đẳng nơi tất cả Phật Pháp và phi Chánh pháp.
Tâm bình đẳng nơi tất cả giới tịnh uế mà không sanh tâm phân biệt.
Tâm bình đẳng nơi tất cả hạnh tu không phân biệt.
Tâm bình đẳng nơi năng lực tiếp độ của tất cả Phật.
Tâm bình đẳng nơi trí tuệ giải thoát của chư Phật.
9. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào tùy thuận khế kinh mà xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật với tâm vô cầu thì sẽ phát xuất những công đức vô-úy bất tư nghị. Như là:
An nhẫn giữa những chướng ngại, mà mở rộng tâm vô úy.
Hộ trì Chánh pháp không mỏi nhọc, mà trưởng dưỡng tâm vô úy.
Hàng phục tất cả ác tri thức, đưa hết thảy vào chánh kiến, nêu cao tâm vô úy.
Vì sự trường tồn của Chánh pháp, mà phát khởi tâm vô úy.
Vì chí nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, chẳng tiếc tánh mạng mà thành tựu tâm vô úy.
Xô dẹp tất cả tà kiến của ngoại đạo, đánh đổ thiên kiến của nhị thừa, mà phát tâm vô úy.
Làm cho tất cả chúng sanh hoan hỷ tu tập pháp Đại-thừa, mà phát khởi tâm vô úy.
Kiên cố giữ Bồ-đề-tâm, Bồ-đề-nguyện mà phát khởi tâm vô úy.
Không khinh hủy những người phạm giới, không dua nịnh những bậc giới thể hoàn bị, mà phát khởi tâm vô úy.
10. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào phục sức thân tâm bằng danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật thì sẽ đắc những năng lực giải thoát không thể nghĩ bàn. Như là:
Giải thoát phiền não, không còn bị thập triền, thập sử, xâm hủy bức hại, nhiễu loạn.
Giải thoát tà kiến thế gian và tà kiến ngoại đạo.
Giải thoát những biện giải về sư giải thoát.
Giải thoát những mục tiêu an trụ Niết-bàn của nhị thừa.
Giải thoát những trói buộc, áp chế của uẩn, xứ, giới.
Giải thoát những chấp trước về Phật Pháp.
Giải thoát những chấp trước về phi Chánh pháp.
Giải thoát tất cả hí luận về Thật-nghĩa của Nhứt thừa.
Giải thoát tất cả tri giải sai lầm của sáu căn.
Giải thoát tất cả hí luận về cảnh giới siêu việt của chư Phật, chư Bồ-tát.
Giải thoát hí luận, biện tài về không tánh, về những pháp vô sở đắc.
11. Nầy Vi-đề-hy! Bất cứ chúng sinh nào thoáng nghe danh hiệu Nam-Mô A-di-đà Phật, liền tín thọ chấp trì, niệm niệm nối nhau không gián đoạn, thì sẽ hiển lộ những thứ tâm bất động. Như là:
Sẵn sàng xả bỏ tất cả sở hữu, mà không hề nuối tiếc, do đó tâm được bất động.
Đối với tất cả chúng sanh, không có lòng não hại, do đó tâm được bất động.
Trong việc nhiếp hóa chúng sanh, chẳng hề phân biệt kẻ oán người thân. Do đó, tâm được bất động.
Dẫu ham làm các thiện sự nhưng chỉ gặp thất bại, hủy nhục nhưng không hề lui sụt bồ đề tâm nguyện. Do đó, tâm được bất động.
Tư duy, quán sát diệu nghĩa của tánh không mà chẳng hề sợ sệt, ngăn ngại. Do đó, tâm được bất động.
Nhìn ngũ trược ác thế, thấy chúng sanh say sưa nô đùa với tám món điên đảo, mà không chán ghét, bỏ lìa, khinh chê. Do đó, tâm được bất động.
Nghe những pháp khó tin, khó hiểu của Đại-thừa mà ghi nhớ không quên. Do đó, tâm được bất động.
Dẫu sống trong thế pháp nhiễm ô, mà vẫn tu tập phạm hạnh, hộ trì tịnh giới. Do đó, tâm được bất động.
Nơi chỗ sở đắc, và nơi chỗ vô sở đắc, luôn luôn giữ lòng an nhiên, chẳng náo loạn. Do đó, tâm được bất động.
Đối với kẻ trí nhỏ, khinh chê pháp Đại-thừa, mà mình cũng không sanh lòng giận hờn, ghét bỏ. Do đó tâm được bất động.
12. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào nhất tâm xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, dẫu với tâm thái nào đi nữa, thuận ý hoặc nghịch ý, ham thích hoặc chống trái, đều thâu hoạch vô số Trí Lực bất tư nghị. Như là:
Trí lực Quán Chiếu, thấy rõ tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh khởi.
Trí lực Như Thật, nhận biết tất cả các pháp đều chẳng thật, đều như huyễn hóa, mộng mị.
Trí lực Như Như, thấy rõ tất cả các pháp không đối nghịch, mâu thuẫn.
Trí lực Vô Úy, thấy rõ tất cả các pháp biến dịch không ngừng, sanh, trụ, dị, diệt từng sát na, mà chẳng tham luyến hay sợ hãi.
Trí lực Kim Cương, vì thực hành hạnh nguyện Bồ-tát, lợi lạc quần mê, mà chẳng dính mắc vào ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.
Trí lực Tịch Tịnh, vì trực nhận sâu xa cái bản thể vắng lặng, thường trụ thanh tịnh các pháp.
Trí lực Viên Mãn, vì tuy khẩn thiết cầu sanh Cực-lạc mà vẫn nguyện trở lại Ta-bà cứu độ chúng sanh.
Trí lực Thiện Xảo, vì khéo léo phân biệt ý nghĩa chân thật của các pháp và khéo léo sử dụng phương tiện để dìu dắt chúng sanh.
Trí lực Thậm Thâm, vì tương ứng với đạo Nhứt-thiết-trí.
Trí lực Vô Ngại, vì hiểu biết tâm ý và sở hành của chúng sanh, nhẫn nại làm cho họ phát Bồ-đề-tâm, hoan hỷ siêng tu kiên cố, bất thối.
Trí lực Tối Thắng, vì tự nhiên tin nhận vô biên diệu dụng của hồng danh Nam-mô A-di-đà Phật, mà chẳng phân vân thủ xả.
13. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu, hoan hỷ thọ trì danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho tới nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất khả tư nghị. Như là:
Quyết định đời đời thọ sanh trong dòng giống Như-lai.
Quyết định vĩnh viễn an trú trong cảnh giới vô lượng quang minh nghiêm sức của chư Phật.
Quyết định thấu triệt công hạnh, tâm nguyện của chư Bồ-tát.
Quyết định an trụ trong vô số các môn Ba- la-mật.
Quyết định tham dự trong những chúng hội đạo tràng của Như-lai.
Quyết định đủ năng lực hiện bày thể tánh và chủng tướng của chư Như-lai.
Quyết định an trụ trong trí tuệ siêu việt, giải thoát của Như-lai, thâm nhập Bồ-đề giác tánh của chư Phật.
Quyết định an trụ trong bản nguyện vĩ đại của đức Phật A-di-đà, chắc chắn được Ngài tiếp dẫn.
Quyết định hòa hợp thân và tâm vào trong kim thân của chư Phật.
Quyết định hóa sanh tự nơi hoa sen báu, cùng một chỗ ở với chư Phật, chư Thánh-chúng.
14. Nầy Vi-đề-hy, bất cứ chúng sanh nào quyết liệt đối với Bồ-tát đạo, luôn tinh tấn xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày. Liên tục như vậy, trọn đời không mỏi nhọc, thì chắc chắn thành tựu mười giới pháp thanh tịnh, xứng đáng là bậc tôn quý trong hàng Nhân Thiên. Như là:
Thanh-tịnh giới nơi Thân, vì xa lìa nghiệp sát sanh, dâm dục, trộm cắp.
Thanh-tịnh giới nơi Miệng, vì xa lìa bốn nghiệp dữ là nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác.
Thanh-tịnh giới nơi Ý, vì xa lìa ba nghiệp xấu nơi ý, đó là tham lam, sân hận, tà kiến.
Bồ-đề-tâm giới, nơi sự nghiệp tuệ giác, vì chẳng ưa thích pháp Tiểu-thừa, mà đặt trọn chí hướng nơi Phật Tri Kiến.
Ba-la-mật giới nơi sự nghiệp hóa độ tất cả chúng sanh, vì thực hành vô lượng Ba-la-mật, khéo dẫn dắt chúng sanh vào Như-lai thừa.
Thâm-mật giới nơi phương tiện thiện xảo, vì giữ gìn Giới Thể trong sạch như lưu ly, và khéo cứu vớt tất cả chúng sanh trót hủy phạm giới luật.
Nhiếp-thọ Giới nơi đại nguyện viên mãn, vì luôn ngăn ngừa chúng sanh làm những việc ác mà chỉ giúp họ làm các việc lành.
Nhứt-thiết-nghĩa không giới, vì thấu triệt trọn vẹn nghĩa lý mật nhiệm của không tánh, rời bỏ tất cả kiến chấp hữu lậu cũng như buông bỏ ngay cả Trí Tạng vô lậu.
Thủ-hộ giới, vì nơi tất cả chúng sanh, luôn phát khởi lòng đại bi đưa hết thảy vào Như-thật-đạo, không để chúng sanh rơi vào tà kiến, và đọa vào ba đường dữ.
Tùy-nhạo giới, vì luôn khiêm cung, chất trực và nhu hòa. Không bao giờ rêu rao lỗi lầm của chư Tỳ-kheo, chư Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cũng như những người sơ học.
15. Nầy Vi-đề-hy, giả sử đem muôn ức na-do-tha hằng hà sa quốc độ mà nghiền thành vi trần, cứ mỗi mỗi vi trần là một đại kiếp. Dùng khoảng thời gian vô cùng dài lâu ấy, để diễn nói tất cả năng lực bất tư nghị của danh hiệu Nam-mô A-di-đà phật, thì cũng không thể nào diễn nói cho đầy đủ hết được.
Nay ta tạm tuyên thuyết ít phần trong vô lượng vô biên bất khả thuyết, bất khả thuyết, năng lực bất tư nghị của danh hiệu thù thắng, vi diệu đệ nhất ấy. Ngươi hãy tín thọ, ghi nhớ, suy gẫm, và nhất tâm phụng trì.
Ngài Quán-thế-âm vừa dứt lời, bấy giờ mười phương chư Phật đồng hiện ra khen rằng:
- Lành thay! Lành thay! Phật tử Quán-thế-âm thực hiện việc làm hi hữu. Khéo vì chúng sanh thời Mạt pháp mà xưng tán, tuyên dương năng-lực bất tư nghị của danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật. Ai nhất tâm xưng niệm danh hiệu ấy, sẽ được chư Phật hộ trì và nhiếp thọ, quyết định thành Phật.
Đời Tấn, ngài Tam Tạng Pháp sư Cưu-Ma-La-Thập dịch từ Phạn ra Hán
Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch từ Hán ra Việt
Phật thuyết Niệm Phật Ba-la-mật Kinh.