LỜI MỞ ÐẦU
Kính thưa quý vị độc giả
Khi Sống, Con Người lo đủ việc và nhất là hết lòng chuẩn bị mọi thứ: - Nào chuẩn bị thi cử, chuẩn bị ra trường, chuẩn bị cưới hỏi, chuẩn bị sinh con, chuẩn bị nhận việc làm, chuẩn bị mua nhà, chuẩn bị đi du lịch, chuẩn bị đi nằm bệnh viện vân.. vân...
Nhưng có một việc rất gần gũi, thiết thực và hệ trọng cho mỗi người thì lại không thấy ai chuẩn bị cả… Đó là chuẩn bị lúc Lâm chung!.
Tại sao lại phải chuẩn bị lúc qua đời? Mọi người ai cũng Chết cả, đó là chuyện tự nhiên, có gì mà phải chuẩn bị? Nhiều người sẽ nói như thế khi nhắc tới chữ Chết.
Nhưng chính vì mọi người ai cũng phải Chết nên cũng phải chuẩn bị - mà nên chuẩn bị kỷ hơn - Vì thật sự Chết không phải là đơn giản như những điều ta chuẩn bị trên đời Lý do:
- Khi Chết, ta ra đi chỉ một mình đơn độc.
- Ở ngưỡng cửa Tử Sinh, vì không Chuẩn bi trước nên ta sẽ bơ vơ, ngơ ngác, lo sợ, mơ hồ không biết làm gì và tới đâu
- Rời khỏi thế gian rồi, ta sẽ đi vào những Cõi giới khác mà ta không biết xấu tốt ra sao? Tâm thức ta lúc ấy vô cùng bấn loạn, sợ sệt kinh hãi, hoang mang.
Vì thế khi sống ta cần biết rõ khi Chết sẽ ra sao và chuẩn bị trước để lúc lâm chung, tâm thức ta đủ sáng suốt để nhận định đâu là Cửa tới Cõi An lành hầu chuyển đổi một kiếp đời mới khác… tốt đẹp hơn…
Tập sách nhỏ này được biên soạn qua các tài liệu Kinh sách giá trị - Hy vọng sẽ giúp mọi người có được một số chuẩn bị hữu ích cho lúc phải già từ thế gian này.
Soạn giả Đoàn văn Thông
MỌI NGƯỜI NÊN CHUẨN BỊ CHO CHÍNH MÌNH
Khi giải thích về Sự Chết, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rằng: "Chết là một phần tự nhiên của Sự Sống - Chết không có gì bất công và đáng sợ vì ai rồi cũng phải Chết và Chết không phải là “Mất hẳn”. Tuy nhiên không ai biết trước là mình sẽ Chết vào lúc nàoVà Chết ra sao? - Vì thế, tốt nhất là ta nên chuẩn bị - Hãy xem sự chết như là một sự đi xa. . .".
Tại sao mọi người đều biết rõ là người đi du lịch thường chuẩn bị trước nhiều thứ trước khi đi mà lại không biết chuẩn bị trước cho mình nhiều việc trước khi cái chết sẽ phải đến?
Tìm hiểu sự Chết rất quan trọng và cần thiết cho tất cả mọi người - Vì sự thật hiển nhiên là mọi người ai cũng phải tới lúc Chết - Vậy thì tìm hiểu sự chết sẽ giúp kịp thời chuẩn bị cho mình được an bình, thuận lợi khi phút lâm chung đến. Đừng đợi tới khi sắp qua đời mới lo thì không còn kịp nữa...
Đại Đức Sogyal Ripoche khi viết về Sự Chết đã ghi nhận rằng: Trên thế giới, nhất là nơi những xã hội tân _tiến - quả thật là rất ít người hiểu biết về cái chết - trước khi Chết, trong khi Chết và sau khi Chết như thế nào..?
Nhiều người như cố quên về cái chết, cho cái Chết là đáng sợ, không dám nhắc tới. Nhưng cũng có người lại làm ra vẻ thản nhiên bất cần, coi thường sự chết bằng cách biểu lộ qua lời nói: “Ôi! Ai rồi cũng chết cả vậy thì lo sợ, nghĩ ngợi làm chi cho mệt! Cứ để cho nó tới”.
Thật sự thì lời nói đó chỉ là để khỏa lấp về sự chết, chối bỏ sự chết, vì không muốn nghe chữ chết mà thôi – Nhưng khi sự chết đến gần với họ thì sự lo âu khủng khiếp không còn làm họ thản nhiên nữa và khi đó vì không có chuẩn bị trước nên sự ra đi của họ về thế giới bên kia lại chất chứa nhiều đau khổ và sai lầm . . .
Có người còn cho rằng Chết là Hết là không còn gì nữa - Vì thế họ sống vội vả, cố hưởng được những gì họ có trong cuộc đời hiện tại mà họ đang sống chớ không cần nghĩ đến tương lai, hậu quả của đời sau ra sao - Như vậy họ sống chỉ là để hưởng thụ, nặng về vật chất mà coi nhẹ hay không nghĩ đến phần tâm linh - họ chỉ sống với mục đích thuần vật chất chớ không vì mục đích tâm linh...
Sự chết quả thật là rất quan trọng, nếu mỗi người tự suy nghĩ về cái giờ phút cuối ấy thì thật sự là không đơn giản.
Khi biết được vấn đề trên một cách sâu xa tế nhị và quan trọng thì ngoài sự chuẩn bị cái chết cho riêng mình, ta còn nên giúp người khác biết chuẩn bị cho họ được an lành khi cái chết đến với họ ...
Sống trên thế gian này mọi người đều bị mê muội làm và nghĩ biết bao điều mê muội trong khi cái chết là cái thực tế đang chờ đợi thì lại không bao giờ để tâm tới. Ðó chính là cái sai lầm ghê gớm mà mọi con người đã và đang phạm phải mà không biết.
Con_người hầu như gần cả cuộc đời mình đã hao phí gần hết thời gian khổ công cho việc làm ra tiền, xài tiền hay cóp nhặt để dành tiền...Chỉ ngần ấy thôi cũng đã khiến tiêu tán hết năng lực... để rồi cái chết tới bất ngờ trong khi ta chưa chuẩn bị gì cả. Mà cái chết thì lại không mang theo được bất cứ gì.
Khi chết không ai đem theo được bất cứ cái gì. Dù Vua chúa, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn... một khi đã chết thì không đem theo của cải vật chất nào cả.
KHI CHẾT, KHÔNG MANG THEO ÐƯỢC BẤT CỨ GÌ
Thật vậy, khi chết, hai tay buông xuôi, quả thật người chết không mang theo được bất cứ gì nhất là tài sản, tiền bạc. Vì thế trong cuốn Tử thư Tây Tạng thường nhắc nhở mọi người rằng: trước khi chết ta nên rời bỏ không luyến tiếc những gì mà ta có – Những tài sản, tiền bạc vật dụng ta nên chia, trao tặng rõ ràng – như thế là hoàn toàn buông xả, để chính ta cũng không còn phải phân vân khi ra đi, không còn khao khát, thiết tha, quyến luyến tiếc nuối... Ngay cả sự thương hay sự ghét cũng phải buông xả, trút bỏ. Có thế người sắp mất ra đi với “cái tâm bình thản” – không bị ray rứT bịn rịn hay ràng buộc bởi bất cứ vấn đề gì.
Ngay khi mới ra đời là ta đã tiến dần tới Cõi chết. Ấy vậy mà ta thì lo gom góp mọi thứ cho mình để rồi khi Chết ta lại đi có một mình với hai bàn tay trắng, để lại tất cả những gì mà ta đã khổ công đeo đuổi bấy lâu... Chỉ có cái ta có thể mang theo là cái Tâm linh tu tập...
(Ðức Ðạt Lai Ðạt Ma đời thứ 14)
CẦN BIẾT TRƯỚC CÁI CHẾT SẼ ÐẾN
Phần lớn người Ðông phương lấy làm lạ và có khi phẩn nộ khi thấy bác sĩ Tây phương hay nói thẳng về sự sống chết cho bệnh nhân biết – Khi biết căn bệnh đã đến hồi vô phương cứu chữa, bác sĩ thường nói thẳng cho người bệnh biết để lo liệu trước. Xét cho cùng thì là điều hay, nên làm vì con người ta ai cũng quen dần với tình trạng hoàn cảnh hiện tại của họ cả. Lúc mới nghe bác sĩ nói điều không may thì họ rất kinh hãi, sợ sệt – nhưng rồi dần dà họ sẽ an phận vì không còn con đường nào khác – và những giây phút còn lại của họ sẽ sống theo với hoàn cảnh của họ - khi đó họ cũng tự nhủ là con người trước sau rồi ai cũng phải chết – mà sự thật xưa nay đều thế. Cùng lúc nếu thân nhân bè bạn cũng nói và cùng chấp nhận điều đó với đời của họ thì người bệnh sẽ cảm thấy phần an ủi rất lớn lao và tự nhiên họ không còn đau khổ, lo sợ về cái chết sắp tới nữa.
Ðại sư Soyal Rinpoche đã khuyên mọi người là nên nói một cách tế nhị, khéo léo sự thật về cái chết cho thân nhân sắp qua đời biết khi căn bệnh họ đã tới hồi nguy kịch - Ðiều ấy có lợi vì giúp họ “kịp dọn mình, chuẩn bị tinh thần cho một tình huống phải đến - Nhờ thế mà dần dần họ sẽ cảm thấy yên tâm và cũng từ đó họ bắt đầu sửa đổi thái độ, tâm linh với mọi người, với gia đình, với những ân oán, nợ nần, những gì cần giải quyết vân vân cho tốt đẹp.
TÂM TƯ NGUYỆN VỌNG CỦA NGƯỜI SẮP LÌA ÐỜI
Soyal Rinpoehe là một Đại đức lừng đanh của xứ Tây Tạng, là người am hiểu sâu xa về Sự chết đã cho biết rằng: Những người sắp chết thường giống nhau về tâm tư, nguyện vọng. Khi đang còn sống tự nhiên, khi mà cái sự chết chưa di chuyển dần đến với họ thì họ chưa cảm nhận được sự chết ra sao cả. Nhưng khi sự chết đến gần họ rồi, họ đã cảm nhận được rồi thì lúc đầu, họ cảm thấy dè đặt, bất an. Nhưng Rồi từ từ, tinh thần họ sẽ an bình kế cận với cái chết - Điều quan trọng lúc đó họ thích thổ lộ những điều liên quan tới cái chết và những điều mà họ mong mỏi ước ao.
Theo Đại đức Rinpoche thì nếu người sắp qua đời đã nói được những tâm tư nguyện vọng của họ một cách tự nhiên thoải mái thì điều ấy sẽ giúp họ thay đổi được quan niệm sống, thay đổi về cuộc đời mà họ đã từng trải qua để đi vào thế giới khác một cách bình an tốt đẹp - Khi bạn đến thăm người sắp chết, nếu họ nói ra những gì về cá nhân họ, cuộc đời họ, tình cảnh họ, bệnh.tình họ... thì đó là những cảm nghĩ riêng tư của họ. Hãy để cho họ thổ lộ những gì mà họ muốn nói, đừng cản lời họ vào lúc đó.
Không những là không cản trở mà còn khuyến khích, cảm thông với họ, hòa đồng vào với họ một cách ân cần đầy tình cảm ... khi họ nói ra: Có vậy họ sẽ có được cảm giác là khi ra đi họ không cô đơn. Lúc này rất quan trọng, vì người sắp qua đời đang ở vào giai đoạn dễ cảm xúc nhất, nhạy bén nhất. Khi tiếp xúc với người sắp qua đời, bạn nên tự đặt mình vào với hoàn cảnh của người sắp mất, đang kề cận với cái chết thì lúc đó tình cảm bạn đối với họ sẽ chân thật, sâu đậm hơn và lúc đó bạn sẽ hiểu thấu tâm can, ước vọng hay sự lo lắng của họ hơn - còn họ thì lại cảm thấy an bình thanh thản như trút được gánh: nặng và có người vào lúc đó cảm thấy như có được người cảm thông hòa điệu với mình khiến họ an bình can đảm hơn. Nói tóm lại bạn phải tỏ ra tự nhiên không hốt hoảng, lo sợ và tin tưởng là giây phút sắp tới là giây phút mà người sắp mất sẽ gặp đấng tối cao, họ sẽ được Chúa hay Phật dẫn đắt họ vào cõi tốt lành an lạc. Đáng ngại nhất và sai lầm nhất là vào giây phút đó người thân lại hay kêu gào than khóc níu kéo như sợ người mình thương ra đi - Phải nghĩ rằng mọi người ai rồi cũng phải chết, không đi trước rồi cũng sẽ đi sau - Có lẽ vì thế mà ông bà ta thường có câu an ủi rằng: Kẻ Chết trước được mồ được Mả, kẻ Chết sau mồ mả ngả nghiêng. Người đi trước vậy mà được may mắn..
NỖI ÐAU VỀ THỂ XÁC CỦA NGƯỜI SẮP LÌA ÐỜI
Theo kinh nghiệm của Đại đức Rinpoche và những chuyên viên đã từng khảo sát theo dõi từ Trung tâm tiễn đưa người chết (gọi là Tiếp dẫn đường) tại St.Christopher (Anh quốc) thì người sắp qua đời có nhiều nổi lo lắng bồi hồi mà một trong những lo sợ ấy là sự đau đớn trong khi sắp qua đời. Nếu lúc ấy, người sắp qua đời đau đớn thân xác thì cần phải có sự chăm sóc tận tình nhưng đừng hốt hoảng. Các loại thuốc giảm đau có thể dùng nhưng tránh đừng dùng nhiều chất á phiện. Sự làm giảm đau đớn cho người sắp qua đời nếu họ bị đau đớn sẽ giúp cho thần trí của họ được sáng suốt bình tỉnh hơn, giúp họ giữ được ý thức và tự chủ vì trước giây phút Thần thức thoát ra khỏi cơ thể, giây phút quan trọng trong sự chuyển tiếp - mà t. óe - không minh mẫn, không sáng suất, thần trí hơn loạn vì những cơn đau đớn thì sẽ dễ bị tối tăm lầm lạc mà đi vào những đường xấu xa bất lợi (Lục đạo) - ( sẽ trình bày rõ về Lục đạo là 6 con đường trong sách này ). Do đó, thật phước lành cho ai khi sấp lìa đời mà không đau đớn, từ từ như đi vào giấc ngủ bình thường.
TÂM TƯ TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI SẮP LÌA ÐỜI
Ngoài Vấn đề đau đớn thân xác, người sắp qua đời còn mang nặng một nổi niềm luyến tiếc, bịn rịn vì chưa hoàn tất một công việc, một ước vọng hoặc chờ mong việc gì đó. Ngoài ra về mặt tình cảm, ngoài bịn rịn gia đình, cha mẹ, vợ con, đôi khi họ còn phiền muộn lo âu về những điều họ đã phạm phải tội lỗi, những mối căm thù, những món nợ vân vân mà họ chưa giải quyết xong... Đây là sự thật và cũng là điều đáng ngạc nhiên - phải chăng lúc lâm chung con người sắp ra đi, họ thường tỏ ra thánh thiện? Phần lớn người sắp qua đã thường tha thứ những gì mà người khác đã gây hại cho họ, kể cả kẻ thù mà lúc còn sống họ rất căm giận. Ngay cả nợ nần họ cũng nhớ và muốn giải quyết dứt khoát. Anh Trần H Loan là một quân nhân đã kể rằng: trong một cuộc đụng độ xảy ra vào năm 1966, người bạn thân của anh là Nguyễn V Lễ bị đạn trọng thương lúc hấp hối đã nhờ anh nhắn gởi với gia đình những lời trăn trối và còn bảo:" 'tôi còn nợ thằng Sáu trong đại đội 350 đồng nhớ trả giùm.."
Những điều vừa trình bày trên cho thấy ở phút lâm chung, con người tự nhiên tốt lành hơn, cởi mở hơn, thánh thiện hơn, tất cả như buông xả nên họ dễ dàng tha thứ. Ngay cả tử tội, trước khi thọ hình cũng thường tỏ ra ăn năn hối cải những lỗi lầm mà mình đã phạm phải.
CẦN TÔN TRỌNG ƯỚC NGUYỆN CỦA NGƯỜI SẮP MẤT
Tại một số bệnh viện ở Luân Đôn - Anh quốc, khi thuyết giảng về những giây phút trước lúc lâm chung cho bệnh nhân, Đại đức Soyal Rinpoche đã lưu ý rằng: "Các bệnh viện cần tôn trọng ước nguyện của người sắp qua đời cũng như cần để cho họ được nằm yên và giữ im lặng càng nhiều càng tốt -- "' Vì giây phút lâm chung sắp đến tâm linh họ cần được mở ra. Do đó khi biết được người bệnh không thể nào qua khỏi thì tốt nhất là gở bỏ những gì gài, cắm vào cơ thể người bệnh như các dây nhợ, kim tiêm, máy đo, thuốc truyền vào cơ thể vân vân để thân thể người sắp qua đời được tự nhiên, tâm trí thanh thản.... Đồng thời người thân túc trực bên thường nói lời tốt đẹp hay cầu nguyện cho người sắp mất và săn sóc tâm linh cho họ . . .Có thế sự ra đi của họ mới mong được an bình.
Ngày thứ 49 sau khi mất rất quan trọng - vì đó là thời hạn lâu nhất mà Thân Trung ấm chuyển đi vào một kiếp đời khác (đầu thai) Giai đoạn này nên có Sư hay Linh mục hoặc bạn bè bổn đạo, khuôn hội tới đọc kinh, tụng ít kinh giúp hương linh siêu độ. Đây là việc nên làm nhất: "(Một thời điểm khác cũng rất quan trọng là hai tuần sau khi mất tức là khoảng nửa tháng, thời gian ấy nên đọc kinh, tụng kinh cầu nguyện cho hương linh được vãng sanh cực lạc hay thiên đường tùy theo tôn giáo họ.
Trong hai thời điểm ấy nếu thân nhân làm việc nhân đức thiện nguyện bố thí với ý hướng làm thay người mới qua đời cũng phần nào giúp lợi lạc cho họ về mặt tâm linh, chuyển kiếp. . .
Đối với người Tây Tạng thì việc làm phước thiện nhân danh người chết là một việc làm có ý nghĩa nhất - Đó là cách trả ơn, tỏ lòng thương mến và hổ trở người đã mất hay nhất chớ không phải cứ ủ rũ than khóc tiếc nuối sầu thương cũng chẳng ích gì. Cho vong linh người quá vãng...
NHẬN THỨC CỦA TA SẼ THAY ÐỔI KHI KỀ CẬN NGƯỜI SẮP QUA ÐỜI
Người nào đã từng ở cạnh người sắp chết họ sẽ học được thế nào là nỗi lo sợ, cô đơn của người sắp qua đời - Nếu người ở cạnh ấy cảm thấy lo sợ thì mối lo sợ đó cũng giống mối lo sợ của người đang nằm trên giường. Nhờ vậy mà những người đã từng ở cạnh kề người sắp mất như thế sẽ có được nhiều thiện tâm hơn vì chính họ cũng như đã từng trải qua giai đoạn của lúc lâm chung đó - Họ sẽ nhìn đời khác hơn và nhận chân rõ đời người hơn, xem giá trị của tâm linh cao hơn vật chất. Cô M.Ph làm việc tại một bệnh viện lớn tại Colorado Hoa Kỳ - tuy còn rất trẻ, phần hành của cô là chăm sóc an ủi những người sắp qua đời -. Cảm tưởng của cô sau gần 6 năm làm việc ở bệnh viện với độc nhất công việc đầy buồn bả này là: Tự nhiên tôi nhận thức cuộc đời có phần khác với nhận thức của bạn bè tôi cũng như anh chị em tôi - Tôi nghĩ là không nên ganh ghét, căm thù ganh tỵ bất cứ ai vì chung cuộc tất cả có lẽ cũng giống nhau về hình ảnh thường diễn ra sát bên cạnh tôi, lúc nào tôi cũng thấy những con người chân thật đầy lòng thương và đầy quyến luyến - những người sắp ra đi- Hình như hầu hết những người sắp ra đi đều bao dung vị tha.. Tại sao ta không bao dung, cởi mở, thiện tâm trong lời nói, hành động, việc làm ngay khi ta đang còn sống trên đời.
Càng ngày con người càng tin vào luật Nhân Quả - và ngay cả Khoa học cũng đang tiến dần vào việc xác nhận sự kiện nữa, riêng tôi, tôi tin vào Luật Nhân Quả . . " Albert Einstein
ÐIỀU NÊN TRÁNH KHI Ở CẠNH BÊN NGƯỜI SẮP MẤT
Điều quan trọng cần nói là bạn bè, người thân khi kề cận bên người sắp qua đời thì đừng bịn rịn, khóc lóc, níu kẻo người sắp mất. Nếu ta cứ tạo ra làm mối cảm thương day dứt thì người sắp qua đời sẽ đau buồn thảm khốc vô cùng khiến họ khó nhắm mắt - đó chính là điều vô cùng tai hại. Cần nhớ kỷ rằng khi gần tới phút lâm chung, họ cần phải được an ổn tâm hồn, buông xả tất cả, không còn gì vướng bận vào giai đoạn quan trọng đó.
Theo Christine Longaker thì tốt nhất là người thân phải để cho họ ra đi một cách an bình - thanh thản, tự nhiên - muốn thế, phải làm cho họ an tâm, nói với họ là mình ở lại không sao cả, không có gì phải lo cả, mọi việc sẽ ổn thoả sau khi họ mất.
Người sắp mất luôn luôn mong ước có người hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ, gần gũi họ để an ủi ân cần chăm sóc, chịu lắng nghe. Cần tránh sự sợ hãi mà không dám gần họ- Hãy mạnh dạn nắm lấy tay họ và nhất là đừng nói lời chia buồn khổ đau mà trái lại nói lời an vui giúp họ phấn chấn tinh thần. Lời an ủi ở đây không phải là nói với họ rằng họ sẽ không chết - Theo Đại đức Rinpoche thì hoặc yên lặng hoặc để họ biết là họ sắp lìa đời - Vì một khi cho họ biết sự thật, họ sẽ có thì giờ chuẩn bị dọn mình cho sự chết đến với sự can đảm chính chắn và sáng suốt hơn. Đừng để họ ra đi khi không biết trước là họ sắp mất.
Có một điều mà Đại đức Rinpoche nhắn nhủ mọi người thêm về vấn đề này là đừng bao giờ thuyết giảng giáo lý của riêng bạn cho người sắp lìa đời nhất là khi người ấy không cùng tín ngưỡng với bạn - Trái lại người thân phải khích lệ, ân cần phụ giúp họ vững tin vào những gì mà tinh thần và niềm tin của họ đã từng gắn liền. Bạn phải cố gắng tạo cho mình có được thái độ, cử chỉ và nhất là gương mặt không tỏ ra đau khổ, sợ hãi, bối rối, lo âu hoặc kinh hoàng khi đang ở bên cạnh họ - Vì những hình ảnh đó sẽ khiến cho người sắp qua đời lo sợ bất an, làm cho giây phút lâm chung của họ trở nên nặng nề, khốn khổ u buồn - Làm như vậy không phải là có lợi cho người sắp mất mà là gây sự bất lợi nếu không nói là tai hại cho người sắp qua đời.
Các vị Đạo sư Tây Tạng khuyên thân nhân vào lúc đó nên tạo sự an bình cho người sắp qua đời như sau:
Nếu họ bị những cơn đau đớn hành hạ thì ngồi gần bên họ nói với họ là: hãy cố gắng cầu nguyện rằng họ đang bị đau đớn nhưng họ cũng cầu nguyện thay cho những ai đang bị những đau đớn hành hạ như họ.
Nếu họ tỉnh táo thì khuyên họ hãy thở vào với ý nghĩ là thu vào những khổ đau của những ai từng bị đau đớn như mình. Rồi thở ra với ý nghĩ tống xuất những vi trùng, những đau đớn, những xấu xa, tội lỗi để cơ thể được thanh thoát.
Khi còn sống ta cũng thường nên tập như vậy cho quen dần...
SỰ BƠ VƠ ÐƠN ÐỘC CỦA NGƯỜI SẮP QUA ÐỜI
Ở các nước Âu Mỹ, phần lớn các người qua đời thường cảm thấy lạc loài bơ vơ, cô đơn - Có lẽ tập tục của người Âu Mỹ quá khác xa với người Đông phương nên người ta, ngay cả thân nhân cũng ít quan tâm tới sự tiếp cận chăm sóc về mặt tâm linh lúc người thân sắp qua đời và ngay cả trong thời gian thân xác thân nhân còn nằm ở nhà quàn. Cũng như cả những vị bác sĩ tốt nghiệp ra trường cũng chưa hề được trang bị những gì thuộc lãnh vực tâm linh - Do đó nhiều vị đã gặp những trường hợp bệnh nhân hấp hối ngay trước mắt mình với những lời mong ước cầu xin liên quan tới tâm linh. Nhưng không biết hổ trợ giúp đỡ người sắp mất trong giây phút ấy như thế nào cả..
Một nữ bác sĩ người Anh vừa mới tốt nghiệp vào làm ở một bệnh viện đã chạm trán ngay một trường hợp khó xử - Cô tới trước một bệnh nhân - một ông già sắp chết - một ông già cô độc - ông này không có bà con bạn bè nào tới thăm cả. Thấy cô ông già thều thào nói: "Khi tôi chết, cô có nghỉ là Thượng đế sẽ tha tội cho tôi không?” Người nữ Bác sĩ lúc đó cảm thấy lúng túng không biết trả lời sao.
Khi nghe người nữ bác sĩ kể lại chuyện đó, Đại đức Sogyal Rinpoche đã nói rằng: "Nếu gặp trường hợp đó, ta hãy nói với cụ già ấy rằng: Thượng Đế luôn luôn nhân từ nên ngài đã tha thứ cho cụ rồi. Còn tâm trí cụ để được thanh thản, hãy thành tâm sám hối, hãy tha thứ cho chính mình về những tội lỗi - nếu có - mà mình đã gây ra lúc còn sống. Ngoài ra cụ hãy tha thứ cho những ai đã từng làm cụ đau khổ và sám hối nhận lỗi những gì mà mình đã từng sai lầm hay làm tổn hại họ. Sám hối và tha thứ là hai yếu tố giúp ích cho bất cứ người nào khi ở vào phút lâm chung..
Theo các Lạt Ma Tây Tạng thì dù người sắp lìa đời đã tạo nhiều ác nghiệp, nhưng lúc sắp mất, họ tỏ ra ân hận, hối tiếc, ăn năn sám hối, mong cầu sự tha thứ thì chắc chắn sẽ phần nào chuyển hoá được nghiệp xấu. Điều luôn luôn cần lưu ý là người sắp qua đời sẽ ra đi một mình nên phút tiễn đưa cần có thân nhân bè bạn để lúc qua đời khỏi cảm thấy bơ vơ lạc lỏng. Vì thế sự lẻ loi đơn độc là điều bất hạnh nhất của người sắp mất.
NGƯỜI SẮP LÌA ÐỜI VỚI ÐỨC TIN CỦA HỌ
Tất cả chúng ta, khi đọc sách này vào đoạn này, ta hãy tưởng tượng rồi có ngày ta cũng như thế thì cái ao ước về sự an lạc tâm hồn khi ra đi cũng là điều mà ta mong ước.
Đại sư Dudjom Rinpoche đã nói: "Đừng bao giờ bỏ người sắp qua đời - ở phút lâm chung nằm một mình cả. Ở cạnh họ, hòa cả thiện tâm của mình vào với họ lúc ấy chính là giúp họ an tâm vững tiến vào thế giới khác mà không lo lắng sợ hãi ở cạnh họ vào cái giây phút quan .trọng nhất ấy với lời thành tâm cầu nguyện cho họ là điều cực kỳ quý giá .. .” Nếu người sắp mất tin vào Chúa Jesus thì hãy nguyện cầu Chúa Kitô hãy thương xót và giúp đở họ. Nếu họ là một tín đồ Phật giáo thì hãy cầu nguyện Phật A Di Đà, Phật Quan âm cứu độ họ. Chính sự cầu nguyện các đấng này mà vào phút lâm chung, người sắt qua đời sẽ được yên tâm hơn khi họ cảm thấy như có.đấng tối cao ở bên cạnh mình.
Theo Đại Đức Rinpoche thì: Nếu người sắp mất là một tín đồ Thiên Chúa Giáo và bạn là tín đồ Phật giáo thì khi bạn cầu nguyện, hãy hướng tới Phật - vì Phật hay Chúa cũng đều mang lại lòng từ bi bác ái cứu độ cả - chẳng có gì phân biệt. Chỉ có điều là vào giây phút đó, bạn đừng bao giờ truyền giảng đức tin của ban cho người sắp mất khi ho khác niềm tin với bạn. Các bậc thầy nổi danh xứ Tây Tạng đều từng dạy các môn đệ rằng: Hãy để tâm luôn được thanh tịnh và an lạc - Đừng để sự khổ đau, giận, ghét oán hờn bám díu vào - Hãy để tâm mình hòa cùng với tâm của đấng tối cao. Với tâm thức trong sáng ấy, sẽ dẫn dắt người chết đi vào cõi thanh cao, không bị lầm lạc chọn lầm đường vào 6 cõi bất an của lục đạo là 6 nẻo luân hồi.
CẦU SIÊU CHO HƯƠNG LINH LÀ ÐIỀU CẦN THIẾT
Con người khi chết, phần lớn họ chưa hay không cảm nhận được là họ đã chết, họ không còn trên cõi đời này nữa. Do đó người chết thường hoang mang vô định. Họ run sợ trước những gì xảy ra sau khi họ qua đời, họ tới đâu, gặp ai, về đâu..? Điều khủng khiếp đáng sợ nhất là khi họ đang đứng giữa 6 con đường mà họ chẳng biết chọn đường nào - Nếu lúc đó "linh hồn" họ bất định hoang mang thì sẽ đi vào con đường tối tăm lầm lạc, dễ sa vào nơi Ngạ quỷ súc sanh hay cõi Địa ngục. Để “hồn” người chết hiểu rõ tình cảnh thực của họ, không bị hoang mang mơ hồ thì thân nhân phải lo liệu việc cầu siêu cầu an cho hương linh mới chết hầu dẫn dắt họ ra khỏi chốn ảo tưởng mơ hồ - Dưới đây là những tư liệu quý giá biên soạn từ các tài liệu kinh sách rất hữu ích cho bất cứ ai muốn người mới qua đời được sáng suốt bình tâm đi vào con đường sáng.
NHỮNG GIAI ÐOẠN VÀ DIỄN BIẾN CỦA SỰ CHẾT
Thế giới ngày càng văn minh phát triển mọi mặt bao gồm trong đó cả lãnh vực y khoa - Tuy nhiên, cho đến nay giới y khoa bác sĩ vẫn chưa có chương trình nào nghiên cứu tìm hiểu sâu xa về những giai đoạn, diễn biến của sự chết –
Sự chết theo họ chỉ là một chuỗi biến chuyển về sự huỷ hoại tan rã của thân xác vật chất mà thôi chớ không gì khác - khác với sự hiểu biết sâu xa kỳ diệu của các bậc đại sư từ ngàn xưa đã có cái nhìn thông suất rõ ràng về các diễn biến, các giai đoạn của sự chết với những sự kiện chi li mà giới y khoa ngày nay vẫn chưa biết rõ - nhất là ở giai đoạn mà Tử thư Tây Tạng gọi là giai đoạn Trung ấm.
Trong bộ Tử thư Tây Tạng có những đoạn mô tả diễn biến của sự chết như sau: Trước tiên người sắp lia đời nhận biết rõ cơ thể họ suy yếu dần. Các cử động tay chân, thân mình trở nên khó khăn, họ không thể đứng ngồi, cầm nắm... Lúc bấy giờ họ cảm thấy như choáng váng. Cơ thể như bị một lực nặng nhận xuống nên rất dễ té ngả và nhất là khó thở - có người còn bảo thân nhân mở hết các cửa ra vì như cảm thấy ngột ngạt. Mắt thấy lờ mờ không rõ, hai má hóp lại, màu da và môi tái xanh, răng có những chấm đen xuất hiện. Vào giai đoạn đó tâm thần bất định, chập chờn đôi khi nói như mê sảng và chìm dần vào trạng thái hôn mê...
Những trạng thái vừa mô tả trên đây tương tự như các nhận định của giới Y khoa xưa nay. Ở đây, kẻ biên soạn sách này cũng xin nêu thêm vài chi tiết về giai đoạn sắp qua đời của những người trong bệnh viện mà cô Trần T. M. chuyên trách tiễn đưa người chết đã kể lại rằng phần lớn những người sắp lìa đời có những báo hiệu trước như trong phòng họ nằm thường tỏa ra mùi khó chịu – theo cô M thì vì lúc ấy các cơ quan và những chức năng trong cơ thể không còn hoạt động như trước nên những chất thải độc, dơ trong cơ thể không còn được giữ lại như khi còn sống, khi còn khoẻ mạnh nên bắt đầu thoát ra qua các lỗ chân lông và những phần hở của cơ thể.. Sự bốc tỏa mùi ấy có khi xuất hiện sớm trước đôi ba ngày -Trong dân gianViệt Nam gọi đó là mùi Tử khí - Theo cô Tr M thì đôi khi mùi tử khí tỏa ra rất mạnh và duy trì mùi không tan rất lâu - Có lần có một bà Mỹ da đen qua đời, mùi Tử khí xông lên khắp phòng và như đổ ập vào người cô Tr. M. Mấy ngày sau, dù tắm kỷ, mùi kỳ lạ ấy vẫn phảng phất khắp người cô.
Theo kinh nghiệm của cô Tr. M. thì có thể suy đoán là sẽ có người qua đời trong phòng nào đó khi mùi Tử khí tỏa ra trong phòng - Đối với những người làm phần hành như cô ở các bệnh viện thì họ rất nhạy với mùi này. Dấu hiệu khác báo trước sự sắp lìa trần là da thay đổi màu sắc, không còn hồng hào tự nhiên như khi còn sống mà trái lại xám xịt, tái mét. Lý do là vì máu không còn luân lưu điều hòa trong cơ thể nữa mà rút dần về tim nên da tái nhợt hay tím dần từ đầu các ngón tay, ngón chân trở vào thân mình.
Dấu hiệu kế tiếp là nước mắt, nước mũi, nước miếng chảy ra một cách tự nhiên không còn có sự kiểm soát nào. Miệng môi, mắt khô, khát nước vô hạn - Hơi thở lúc bấy giờ trở nên lạnh giá và khó khăn khi qua mũi, miệng - hơi thở vào ngắn nhưng thở ra lại dài hơn.
Theo các Lạt Ma Tây Tạng thì vào giai đoạn này mắt người sắp qua đời tự nhiên lộ nhiều lòng trắng, trợn trừng vì các dây cơ ở mắt không còn giữ thế cân bằng cho mắt nữa. Đây là giai đoạn mà tâm thức mờ mịt, hầu như không còn nhận biết những gì thật giả chung quanh. Chính vào giai đoạn này người sắp mất trông thấy nhiều thứ hư hư thật thật phát sinh do những ảo giác.
Phần lớn những người đang gần kề cái chết, họ thường thấy nhiều người thân quen qua đời từ trước đến ngồi bên giường. Những người đã có lần chết đi sống lại thường đề cập nhiều và giống nhau về vấn đề này
SỰ TAN RÃ CỦA TỨ ÐẠI
Chết chính là sự hủy hoại của cơ thể. Theo các Kinh sách cổ Đông phương thì thân xác và tâm thức hình thành là do sự liên kết của 5 Thể hay 5 Đại - Đó là Đất, Nước, Gió, Lửa và khoảng Không.
- Đất tạo nên thịt, xương và cả khứu giác để nhận biết các mùi.
- Nước tạo nên máu huyết, chất nhờn, chất lỏng trong cơ thể và luôn cả vị giác để nhận biết cay, chua đắng mặn, ngọt, bùi.
- Gió tạo nên hơi thở, hình thể và cả xúc giác để cảm nhận khi tiếp xúc, sờ mó, va chạm.
- Lửa tạo nên hơi ấm, màu sắc và thị giác để nhìn ngắm, xác định hình thể sắc màu.
- Khoảng không tạo ra thính giác giúp nghe và phân biệt các âm thanh - Khoảng không còn tạo ra những xoang bào, những khoảng trống, khoảng hở ở bên trong cơ thể.
Khi chết thì những tan rã của các Thể hay các Đại nên diễn ra rất nhanh và người sắp chết lúc ấy cũng sẽ trãi qua những xáo trộn biến chuyển trong cơ thể và cả tinh thần rất nhanh...
Trước hết thì Thể Đất tan rã nên cơ thể hầu như không còn sức mạnh nữa, khi đó người sắp chết cảm thấy cơ thể nặng nề kỳ lạ và như bị té chúi xuống, không tự mình nhấc người lên được. Da bắt đầu có màu tái xanh, má hóp và trên răng hiện ra những điểm màu đen. Khi đó hai mắt như bị kép sụp xuống, thấy mờ mờ, miệng bắt đầu nói những lời tối nghĩa, mơ hồ, tâm thần suy sụp.
Tiếp đến Thể Nước bắt đầu tan rã với dấu hiệu nước mắt nước mũi nước miếng chảy ra mà ta không thể cản được. Mắt miệng, cổ họng khô và lưỡi như cứng lại và khát nước vô cùng. Hai lỗ mũi như lún vào trong- Tay chân co giật, run rẩy, tâm thần mờ mịt như bồng bềnh. Khi đó từ cơ thể tỏa ra mùi khó chịu - đó là mùi Tử Khí. Điều này cũng dễ hiểu vì cơ thể con người thật sự là một khối dơ dáy - như nhận định của các vị chân sư quán triệt cái thân ô trọc - và thấy rõ “cái cơ thể của con người“ là như vậy - nó tích chứa biết bao cái xấu xa, bất toàn và xú uế nhưng nhờ các cơ phận của cơ thể giữ chúng lại bên trong nên mọi người không thấy - chỉ thỉnh thoảng thấy qua mồ hôi, hơi thở hay phân giải, nước tiểu.. Nhưng khi các đại bắt đầu tan rã thì các cơ phận của cơ thể cũng không còn khả năng cầm giữ các thứ đó nữa mà phân rả hay tuôn ra khiến tỏa mùi khó chịu. Những người làm việc ở bệnh viện thường cho biết là họ đã từng cảm nhận những mùi hôi tỏa ra trong phòng người sắp qua đời hay vừa mới qua đời. Ở giai đoạn tan rã của thể Nước thì qua một số người đã có lần chết đi sống lại nhiều khi nhớ và mô tả lúc này họ như bị chìm sâu trong lòng biển lớn hay bị khối nước ào ạt cuốn đi.
Tiếp theo là giai đoạn Thể Lửa tan rã dần, nên cơ thể lạnh, tái, mắt mũi miệng, cổ khô rát. Hơi thở lạnh. Lúc này không thấy rõ sự vất tâm trí mờ tối không nhận rõ ra bất cứ ai cũng như không nhớ được ai. Họ thấy những đám khói mờ bốc lên.
Khi Gió bắt đầu tan rã thì bản thân người sắp mất cảm thấy khó thở, nhiều người vào giai đoạn này thường bảo thân nhân mở các cửa ra vì họ ngợp thở. Vì là gió đang tan rã nên thoát ra từ bên trong cơ thể qua cổ họng khiến ta thở hổn hển. Nhưng không có sức hít vào. Ðôi mắt lúc bấy giờ trợn ngược vì các giây cơ trong mắt không còn tạo thế cân bằng nữa. Cả cơ thể trở nên cứng đờ. Tâm thức lúc ấy mờ mịt tối tăm, không còn khả năng nhận biết những gì xảy ra chung quanh. Khi ấy các ảo giác bắt đầu hiện ra. Tùy theo Nghiệp Thiện, Ác mà ta gây ra lúc còn sống mà ta sẽ trông thấy những hình như tương ứng, ta cũng thấy lại tất cả quãng đời của ra như một cuốn phim chiếu ngược - Lúc này các hình ảnh và sự kiện như cuồng phong, bão tố vì Thể Gió đang đi giai đoạn tan rã. Đây là lúc máu rút về Tim - Hơi thở cuối cùng hắt ra. Chỉ còn một chút hơi ấm ở tim. Sự sống chấm dứt.
Tuy nhiên theo các Lạt Ma Tây Tạng, nhất là những ghi chép trong Tử Thư thì lúc này thật sự vẫn chưa chết vì tâm thức còn có thể nghe, nhận biết những gì về chung quanh – Do đó mới có lời căn dặn rằng, thân nhân người mới chết không nên gây huyên náo, khóc lóc kể lễ hay làm những điều gì có thể gây đau khổ, buồn phiền, thất vọng cho người vừa mới qua đời - Lúc này là lúc mà thân nhân nên thay phiên nhau tụng kinh, đọc kinh cầu nguyện ít nhất là trong vòng 49 ngày...
NGƯỜI CHẾT THƯỜNG THẤY LẠI BẠN BÈ NGƯỜI THÂN ÐÃ QUA ÐỜI TRƯỚC ÐÓ NHƯ THẾ NÀO?
Họ sẽ thấy nhiều hình ảnh tùy vào nghiệp lực mà họ đã gây ra lúc còn sống như trước đó đã tạo nhiều nghiệp thì ác thì họ sẽ thấy những hình ảnh ghê rợn, có khi thấy người bị họ tàn hại trước đó xuất hiện đòi mạng hay kêu van. Nếu khi sống họ đã làm việc thiện thì sẽ thấy cảnh an lạc, thanh tao, êm ả...
Nhiều người có lần chết đi sống lại đã kể rằng, họ đã thấy những người bà con, bè bạn xuất hiện - và những người này là những người đều đã chết cả rồi.
Đại Đức nổi danh tài đức của Tây Tạng là Soyal Rinpoche - học giả của Đại học Luân Đôn Anh quốc khi viết về Sự Chết có nhắc tới vấn đề Người đang đi dần vào cái chết, họ thường gặp gỡ những "người"' khác. Tuy nhiên những con người mà họ gặp đều là những người đã chết. Tài liệu trích dẫn một số lời kể của những người đã từng chết đi sống lại như Michael Sabom có người bạn quân nhân tham chiến ở Việt Nam bị đạn và bất tỉnh nhân sự - Trong giai đoạn chết ngất đó anh ta thấy lại 13 người đồng đội - mà cả 13 người này thật sự là đã chết mấy hôm trước rồi. Điều kỳ lạ là trong suốt cả tháng trời anh ta như bị hôn mê thì cả trung đoàn của anh bị tổn thất 42 người - Ấy vậy mà anh ta cũng thấy cả bọn họ - Tuy nhiên theo lời quân nhân này thì: “những người mà anh ta thấy đó không ở trong hình dạng mà ta thấy như người thường. Nhưng anh ta biết họ có mặt ở đấy - Anh ta cảm thấy sự hiện diện của họ, liên lạc với nhau không bằng lời nói.”
Theo các lài liệu kinh sách nói về giai đoạn này thì các hình ảnh mà người sắp qua đời trông thấy như vừa mô tả trên là những ảo giác chớ không phải là hiện thực. Các hình ảnh đó chính là do tâm tạo ra.
Có nhiều lối giải thích, giải thích đơn giản nhất là con người khi sinh ra và lớn lên thì trong suốt thời gian lúc còn sống, họ suy nghĩ, hành động, gần gũi, tiếp xúc quen biết với biết bao là người, bao sự kiện... Tất cả đi vào trong bộ não và ấn nhập trong đó. Khi chết, bộ não cũng như cái bình ac-quy vẫn còn hoạt động - lúc này những hình ảnh được in sâu trong bộ não từ lâu dần dần hiển hiện ra như chiếu một cuốn phim. Đây cũng tương tự với lý luận của y khoa hiện đại. Những người vì lý do nào đó có lần chết đi sống lại đã kể rằng họ đã thấy lại những hình ảnh từ quá khứ xa xăm trong đời, diễn ra như một bộ phim chiếu lại.
Tuy nhiên những giải thích trên chưa hoàn toàn được xem là chính xác vì có những trường hợp khó lý giải như: phần lớn những người chết đi sống lại cho biết rằng lúc họ đi vào giai đoạn hôn mê - xem như đi vào cõi chết, họ thấy những người thân mà phần lớn là những người đã chết trước đó. Như vậy tại sao chỉ thấy những người đã chết mà không thấy những người còn sống mặc dầu những người còn sống thường gần gũi thân mật với họ hằng ngày? Bác sĩ Đoàn văn Huy khi làm việc ở một số bệnh viện tại New York (Hoa Kỳ) đã từng lưu tâm nghiên cứu tìm hiểu sự kiện vừa kể - Vào tháng 9 năm 2006, bác sĩ Huy cho biết là chính bác sĩ đã nêu vấn đề này ra để hỏi bác sĩ Robert K. (người thường nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới sự chết) thì được bác sĩ Robert K. trả lời như sau:
“Khi một người qua đời, họ không còn thấy và biết ở ngay thế giới họ đã từng sống nhưng cái tâm linh, cái biết của cái mà ta gọi là “linh hồn” nếu có lại đi vào thế giới khác hay chiều khác. Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới 3 chiều, có thể thế giới mà "linh hồn" người mới chết tới là thế giới thuộc chiều thứ tư, thứ năm nào đó...” Là nơi mà những người đã chết tới đó, hiện hữu ở đó.
Theo các Lạt Ma Tây Tạng thì cái mà người ta thường gọi là Linh Hồn thì người Tây Tạng gọi là Thân ý sanh về cõi không gian mà thân ý sanh thấy các hình ảnh lúc đó gọi là cõi Trung ấm.
Tài liệu đăng tải trong các sách thuộc về những sự kỳ bí không thể giải thích (Mysteries of the unknown) của nhà xuất bản Time - Life Books - Hoa Kỳ có đăng tải nhiều sự kiện có thật liên quan tới những người chết đi sống tại đã tường thuật như Đại uý Tommy Clark trong một cuộc hành quân tại Việt Nam vào ngày 29 tháng 5 năm 1969 qua đời vì đã đạp nhằm quả mìn: Nhưng sau đó thì ông sống lại như một phép lạ - Đại uý Tommy kể rằng chính khi hấp hối, ông thấy mình như thoát ra khỏi cái thân xát đầy máu me của mình và từ trên cao ông nhìn xuống thấy xác mình nằm sóng soài bất động. Rồi ông thấy xe cứu thương chạy đến chở xác ông về đơn vị Mash để giải phẫu. Lúc này đại uý Tommy vẫn còn ở ngoài thân xác của chính ông nên ông có thể quan sát được mọi tình huống xảy ra. Khi đó bên giường mổ, ông thấy những bạn đồng đội như Dallas, Terry, Ralph... chạy đến lôi kéo như muốn rủ ông theo họ. Nhưng ông không đi theo họ - Rồi một vầng sáng tỏa đến, tự nhiên đại uý Tommy cảm nhận là mình đang nằm trên bàn mổ, không còn thoát ra khỏi thân xác của mình nữa... Sau đó, khi tỉnh lại ông ta mới biết những người bạn níu kẻo ông đều là những người vừa mới chết trong trận đánh đó. Điều đáng quan tâm thắc mắc của tôi - Đại uý Tommy nói với nhà báo – là tại sao lúc đó tôi chỉ thấy những người đã chết mà không trông thấy các đồng đội đang sống?
Một tài liệu trung thực khác trong tập hồ sơ lưu trữ tại Viện Nghiên cứu các trường hợp kỳ bí lại tiểu bang Virginia Hoa Kỳ ghi lại lời kể của bác sĩ Lucien Grau - Một người Ấn Độ tên là Laila Kundan Lal Kapur qua đời vì bệnh tại Burdwan - Trong lúc người nhà lo đặt người chết nằm ngay ngắn để chuẩn bị hỏa táng thì người cháu chụp một bức ảnh - Khi ảnh được sang ra, mọi người trong gia đình đều kinh ngạc vì thấy trong hình có những người lạ ngồi quanh xác chết: Những người ấy khi nhìn kỷ đều là những người trong gia đình đã qua đời trước đó.