Lộ Ðại Trí (5) gồm có 1080 nấc thang, tại mỗi bậc thang đá sư cô thầm xướng danh hiệu của một vị Phật hoặc Bồ Tát, giữ tâm thanh tịnh rồi chân thành lễ một lạy. Lên tới đỉnh, sư cô chiêm bái Ngũ Phương Văn Thù điện nguyện cầu Bồ Tát gia bị cho trí huệ sáng suốt thấy rõ con đường chánh pháp mà tu tập, rồi hạ san. Mỗi lần đăng sơn, ni cô phải cụ bị lương khô nước uống và khởi hành từ khi trời tờ mờ sáng, và thường thì cũng phải đến xế chiều mới trở về am. Chín năm trôi qua, Liên Hương một lòng bền bĩ lễ Phật sám hối, thề tránh điều ác, luôn giữ tịnh giới để phát triển chân đạo đức. Một hôm, vào độ cuối thu lạnh lẽo, như thường lệ mỗi nấc thang sư cô mỗi lạy cho đến hai phần ba đường, tại khúc quanh rộng dùng làm chỗ cho khách hành hương nghỉ chân, ni cô dự định tạm dừng bước để dùng bữa ngọ. Ni cô bỗng thấy một người ăn xin già nằm chèo queo, run lập cập vì đói lạnh rất thảm thương, ni cô muốn cứu giúp nhưng chẳng có phương cách nào nên cảm thấy xấu hổ ngại ngùng. Thấy bóng người, lão hành khất liền rên rỉ : “Ôi! Tôi đói quá! tôi chết mất! Xin lạy bà con cô bác rũ lòng thương bố thí chút cơm thừa cho kẻ bần hàn..!”. Sư cô thầm nghĩ : “Khí trời giá buốt, lộ Ðại Trí vắng khách hành hương, không ai nhìn thấy tình trạng bi đát của lão hành khất mà mở lòng từ bi giúp đỡ, e rằng lão phải chịu đói lạnh đến chết mà thôi!”. Thế nhưng ni cô chỉ mang theo một phần ăn ít ỏi cho cả ngày leo núi, một mình còn chưa đủ no thì còn chia cho ai, nên muốn bước tránh đi nơi khác cho khuất mắt. Ni cô bước đi mấy bước mà lòng cảm thấy bứt rứt bất an nên đành quay trở lại, cúng dường cho lão hành khất phần ăn của mình. Ni cô khuyên lão ăn lấy sức rồi xuống núi, kẻo bị chết vì cóng lạnh, rồi tiếp tục leo lên Ðãng Loa đỉnh. Khi Liên Hương trở về, tuyết đã lất phất rơi, đường đi trơn trợt nguy hiểm mà ni cô lại đang đói lả, chân run rẩy bước đi lảo đảo, nên phải bám vào tay vịn lần từng bước một. Trời đã lờ mờ mà ni cô mới đi hơn nửa đường, nên ni cô lính quính cố gắng bước nhanh, chợt ni cô nhìn thấy một xác người hay bóng ma nằm lắt lẻo trên nấc thang, có thể lăn xuống vực bất cứ lúc nào. Ni cô niệm Phật để có thêm bình tĩnh, rồi bước đến xem xét. Thì ra, đó là lão hành khất mà Liên Hương đã tặng phần ăn, đường trơn trợt lão bị trật chân té đập đầu vào cạnh nấc thang từ lúc nào mà máu đã đông đặc. Liên Hương sờ ngực nghe tim còn đập thoi thóp, nên dù sức yếu cũng quyết định phải cứu người, chớ không thể bỏ đi một mình. May là người hành khất thân thể gầy gò không nặng lắm, Liên Hương vận dụng hết sức vác lên vai rồi bám vào tay vịn khập khễnh lê từng bước. Ði được non ba mươi nấc thang, chân Liên Hương rã rời chực khuỵu xuống, sức cùn kiệt không chịu đựng nổi nên ni cô phải dừng lại thở. Xác người hành khất trên vai bỗng trĩu nặng rồi từ từ tuột xuống, ni cô hốt hoảng buông tay vịn để chụp xác lại, không ngờ bị mất thăng bằng ngã chúi xuống vực sâu đen ngòm, mà hai tay vẫn gắng gượng ôm người hành khất không nỡ bỏ rời.
Khi Liên Hương tỉnh dậy thì trời đã sáng tỏ, ni cô cảm thấy mình không bị thương tích chi, đúng là một phép lạ. Ni cô đảo mắt tìm lão hành khất thì thấy lão cũng điềm nhiên ngồi trên tảng đá đọc sách. Ni cô mừng rú lên : “Ông ! Ông...”, rồi bỗng sửng sốt lặng người. Vừa liếc mắt, ni cô biết ngay lão đang đọc quyển kinh mà ni cô đã dày công tụng niệm : Kinh Pháp Hoa, phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh. Ni cô còn đang bàng hoàng ngớ ngẩn thì lão hành khất trao cho ni cô quyển kinh rồi ôn tồn cất tiếng :
- Ðây là “Như Ý thư”, con muốn đọc điều gì thì điều đó sẽ hiện ra. Con có muốn xem qua cho biết không?
Liên Hương trang trọng cầm quyển sách mở ra xem. Trước mắt ni cô không có hàng chữ nào, mà là toàn những hình ảnh linh động của chính Liên Hương trong kiếp trước từ khi còn thơ ấu, đi tu, xây dựng chùa Pháp Hoa, thuyết pháp, lập đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa độ chúng... cho đến khi từ trần. Ni cô ràn rụa nước mắt thương cảm cho chính mình, mình đã tạo phước rất nhiều mà cũng gây nghiệp không ít. Thì ra, trong thời gian ni cô lập đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa, có một nàng kỹ nữ xin được gia nhập. Trong đạo tràng có những vị phu nhân quyền quí cao sang cúng dường rộng rãi đã tỏ ra khó chịu khi phải ngồi tụng kinh chung với kẻ mà họ đánh giá là hạng “lẳng lơ trắc nết”. Nể trọng đám Phật tử quyền quí, ni cô buộc lòng tìm lý do hạ nhục để xua đuổi người kỹ nữ, đó là nguyên nhân khiến cho kiếp nầy ni cô đã phải sa chân làm gái giang hồ. Tuy nghiệp duyên oan trái rõ rệt, nhưng không lẽ công đức tụng kinh Pháp Hoa 10 năm của mình không đủ để làm tiêu cái nghiệp ác nầy sao? Đó là điểm mà ni cô vẫn còn chưa hiểu được. Ni cô chân thành đảnh lễ lão hành khất mà bây giờ nàng tin chắc đó là hóa thân của một vị Bồ Tát, rồi cất tiếng :
- Kính lạy Bồ Tát! Gần hai mươi năm nay con không dám tụng kinh Pháp Hoa chỉ vì có điểm vẫn chưa hiểu được. Kính xin Bồ Tát từ bi giáo hóa con?
- Tông chỉ của kinh Pháp Hoa như thế nào?
- Thưa trong kinh Pháp Hoa Ðức Phật đã vì đại sự nhân duyên mà khai ngộ TRI KIẾN PHẬT.
- Thế con đã trì kinh, đã mang ra áp dụng “Tri Kiến Phật” trong nếp sống tu tập hàng ngày như thế nào?
Ni cô bỗng hụt hẫng chới với. Từ thuở giờ ni cô đồng hóa tụng kinh là trì kinh, đến chừng bị lão hành khất hỏi đã áp dụng như thế nào, ni cô ngẩn ngơ không đáp được. Ni cô suy tư miên man, đầu óc căng thẳng như muốn nổ bùng, rồi bỗng ni cô trực nhớ đến hình ảnh lão hành khất ngồi đọc phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh, sư cô hốt nhiên thấy đầu óc sáng rực lên. Thì ra, Pháp Hoa Kinh nhằm chỉ rõ “Tri kiến Phật”, trì kinh tức là trì “Tri Kiến Phật”, ý thức là tất cả chúng sanh : ta và người, ai cũng có Phật tánh và đều là Phật sẽ thành cả. Trì kinh cũng có nghĩa là đối với tất cả chúng sanh, dù hèn mọn như thế nào, ta cũng tôn kính cúng dường như đối với một vị Phật, vị Phật tương lai. “Ôi! Ta kiên trì tụng kinh Pháp Hoa mà còn khinh khi kẻ khác, vậy thì chính ta đã phỉ báng kinh chớ nào có thực sự trì kinh gì đâu? Thảo nào ta chẳng bị đọa lạc”. Tuy ni cô thầm than thở, nhưng thật ra, ni cô cảm thấy rất thảnh thơi an lạc vì vừa trút được một gánh nặng đeo đẳng hành hạ bao năm trời. Sư cô quì lạy cảm tạ Bồ Tát, dù Ngài đã biến dạng tự bao giờ. Từ đó, tuy Liên Hương cũng bền bĩ giữ thời khóa lễ Phật sám hối như cũ, nhưng bây giờ ni cô có thể vững lòng tụng Kinh Pháp Hoa, càng tụng kinh ni cô càng thấy tâm từ bi bình đẳng đối với mọi loài chúng sanh mở rộng. Hai năm sau, ni cô nghĩ đã đến lúc mang thông điệp Phật tánh từ bi bình đẳng vào cuộc đời, nên dự định sẽ tha phương hành hóa cho đến khi thân thể mỏi mòn mới dừng lại ẩn tu. Thời gian làm kỹ nữ nổi danh, ni cô dành dụm được một tài sản khá to, ni cô đã sử dụng gần hết để cúng dường các tự viện trong khi chiêm bái Ngũ Ðài, chỉ còn lại một ít nữ trang vẫn gởi cho Hồ phu nhân cất giữ. Nay ni cô đổi số nữ trang nầy thành 10 lượng vàng, chuẩn bị hành trang cho chuyến ra đi. Ni cô cũng đi chiêm bái khắp Ngũ Ðài, lạy tạ từ sư phụ, rồi lễ sám hối 1080 lạy trên lộ Ðại Trí lần cuối cùng. Bóng trăng rằm vằng vặc soi sáng, sư cô bước từng bước thảnh thơi rạng rỡ trở về am. Ni cô vừa mở cửa bước vào, thì bỗng có bóng đen hùng hổ nhảy vồ tới chụp ni cô, hắn xé toạc quần áo ni cô, vật ni cô xuống toan làm chuyện tồi bại. Ni cô thoạt giựt mình, nhưng hiểu ngay kẻ lạ là tên “đại đạo hái hoa” trong mấy tháng nay gây ra mấy vụ hãm hiếp tại trấn Ðài Hoài, đã có lệnh truy nã mà chưa bắt được. Có lẽ, người ta đã đề cao cảnh giác cẩn mật phòng bị, hắn không làm chi được nữa nên mới tìm đến am nầy. Ni cô cất giọng nhỏ nhẹ :
- Xin anh hãy bình tĩnh nghe tôi phân giải. Không có gì mà anh phải hấp tấp, phải hung bạo cả. Anh muốn điều chi tôi cũng sẵn sàng phục vụ cho anh vui lòng mà.
Thấy hắn khựng lại, ni cô ôn tồn thuyết phục :
- Tôi hiểu cái “cơn sốt dâm dục” nhất thời đó không phải là con người thật của anh. Con người thật của anh là tình thương, là đạo đức. Xin anh hãy bình tĩnh trở về với con người thực đó đi.
Hắn bỗng xô ni cô ra, chửi thề một tiếng : “Con mẹ nó!”. Ni cô vốn có giọng nói êm ả quyến rũ người nghe, ni cô lại nghiêm túc tu tập lễ Phật sám hối gần 20 năm trời, sư cô lại tụng kinh Pháp Hoa với tâm từ bi bình đẳng chan hòa, có lẽ, những công hạnh đó đã tạo cho lời bình thường thành diệu dụng có khả năng chuyển hóa phần nào kẻ ác. Mặt khác, hắn là kẻ mắc bệnh bạo dâm, khi cưỡng hiếp ai, nạn nhân càng sợ hãi, kêu khóc, cào cấu, dãy dụa... thì cơn dâm của hắn mới bùng nổ dữ dội và hắn mới cảm thấy khoái trá tuyệt đỉnh. Ðằng nầy ni cô không chống cự la hét khiến hắn mất hào hứng, ni cô còn lè nhè nói điều đạo lý chán phèo khiến cơn dâm của hắn bỗng xìu xuống. Hắn thầm nghĩ lần nầy mình xui quá, người ta nói ra đường gặp ni cô xui xẻo, rất đúng, mình dây dưa ở đây có thể gặp nguy hiểm chớ chẳng chơi. Thế nhưng hắn vẫn còn ấm ức, hắn chửi thề rồi hươi dao định đâm chém ni cô một nhát cho bỏ ghét, nhưng khi nhìn phong thái an nhiên ni cô hắn đâm ra nể sợ, hắn gầm gừ mà chưa dám hạ thủ. Ni cô vẫn bình tĩnh :
- Anh cất dao đi! Tôi đâu có thiếu anh nợ máu mà anh định giết tôi. Tôi chỉ thiếu anh 5 lượng vàng, nay tôi sẵn sàng trả cho anh 10 lượng vàng tính cả vốn lẫn lời, anh hãy lấy vàng và đi đi...
Hắn chụp gọn 10 lượng vàng nhưng không chịu cất dao. Hắn gằn giọng :
- Con mẹ nó! Ngươi nói cái đách gì vậy?
- Ðây là món nợ tiền kiếp, mà hai năm trước đây do một duyên phước hy hữu tôi mới biết được. Kiếp trước tôi làm Viện Chủ chùa Pháp Hoa, huyện Vĩnh Châu. Anh có cho tôi mượn 5 lượng vàng để sử dụng gấp trong việc xây cất chùa. Tôi qua đời không kịp trả, nên món nợ đó vẫn còn trĩu nặng trên vai. Hai năm may, tôi vẫn mong chờ anh đến đòi nợ, không ngờ anh đến bằng cách nầy. Tóm lại, xin anh cho tôi trả nợ xưa và cũng xin tán thán công đức anh đã giúp đỡ tôi xây chùa kiếp trước. Anh à! Tôi biết anh vốn là người có tâm đạo, anh lỡ phạm lỗi lầm chẳng qua vì hoàn cảnh đưa đẩy mà thôi. Nếu anh hồi tâm lại thì sẽ biến thành người tốt tức thời... Tôi tin tưởng anh là người tốt mà...
Nghe lời nói ngọt ngào thấm sâu vào lòng người của ni cô, vẻ mặt hắn dịu hẳn xuống, hắn cất dao rồi lầm lũi bước đi. Ni cô tiếp tục nói vói theo :
- Ðức Phật dạy “chúng sanh là Phật sẽ thành” nên tôi tin chắc rằng anh là vị Phật sẽ thành. Xin anh dừng lại, cho tôi được lễ một lạy tôn kính vị Phật tương lai.
Dứt lời, ni cô chân thành phủ phục xuống lễ anh ta như lễ một vị Phật. Hắn ngạc nhiên nhìn sững ni cô, trọn đời hắn, hắn chưa hề được nghe ai nói một lời ngọt ngào huống chi là tán thán tôn trọng. Vị ni cô đứng trước mặt hắn, quần áo rách nát thân thể lõa lồ dưới ánh trăng, nhưng hắn lại thấy từ thân thể đó tỏa ra cái gì thật tinh khiết, thật thánh thiện khiến hắn cảm động nước mắt lưng tròng, hắn quì sụp xuống lạy lia lịa.
- Cảm tạ sư phụ! Cảm tạ sư phụ giáo hóa đệ tử!
Hắn lập bập lên tiếng rồi phóng thật nhanh ra ngoài. Ni cô hân hoan mĩm cười. Ni cô vừa trân trọng trao đi một “thông điệp Phật tánh”. Sư cô sẽ tiếp tục mang thông điệp nầy trao cho mọi người, mọi loài, trong kiếp nầy và mãi mãi về sau.
Tháng 6.2000
Ghi chú :
1. Kỳ nữ Liên Hương : Long thơ Tịnh Ðộ của Vương Nhựt Hưu, quyển 7 (bản dịch Sa môn Lê phước Bình, trang 206) có ghi sự tích chuyện “Pháp Hoa ni hậu thân tác quan hỷ” như sau : Ông Âu Dương tên Vĩnh Phúc làm chức tri huyện đất Vĩnh Châu, có một con hát nhà quan, trong miệng thường bay hơi thơm hoa sen. Khi ấy có ông tăng biết túc mạng của cô mà rằng : Cô nầy đời trước làm ni cô tụng kinh Pháp Hoa mười năm, vì một niệm tưởng lầm, bèn đến nỗi như thế nầy. Ông tăng lại hỏi : “Vậy cô có nhớ tụng kinh Pháp Hoa không?” Ðáp rằng : “Từ khi thất thân đến nay có rảnh đâu mà tụng.” Ông tăng lấy kinh Pháp Hoa đưa cho thì cô tụng như nước chảy, lấy kinh khác đưa cho thì cô không đọc đặng. Do đây mà biết lời nói của ông tăng đáng tin vậy.
2. Ngũ Ðài sơn : Ngũ Đài sơn là một rặng núi tọa lạc tại vùng Ðông Bắc tỉnh Sơn Tây, gồm có đến hàng ngàn ngọn núi cao thấp khác biệt nhau, nhưng có năm ngọn cao vượt rõ rệt, sừng sững tợ như năm cái đài, nên rặng núi mang tên là Ngũ Ðài sơn. Phong cảnh đồi núi chập chùng của Ngũ Ðài sơn hùng vĩ, mỗi ngọn núi một vẻ thanh tú riêng. Ðông Ðài có tên là Vân Hải Phong là đỉnh núi mây phủ giăng lớp lớp như sóng biển, buổi bình minh ánh hồng rực rỡ giữa các từng mây như những hào quang chư Phật, ngôi chùa trên đỉnh vì vậy cũng có tên là Vân Hải tự. Nam Ðài là nơi có nhiều kỳ hoa dị thảo bậc nhất Trung Quốc, vào mùa xuân muôn hoa đua nhau nở rộ phủ trên vách núi tợ như chiếc gấm thêu vĩ đại, nên đài có tên là Cẩm Tú Phong; trên đỉnh là chùa Phổ Tế, là địa điểm dễ thấy xuất hiện những trái cầu lửa hay còn gọi là đèn trí tuệ của Bồ Tát Văn Thù, di chuyển từ đài nầy đến đài khác (giáo sư John Blofeld cho biết đã mục kích hiện tượng nầy tại đây). Tây Ðài nổi tiếng với cảnh trăng treo đầu núi nên được gọi là Quải Nguyệt phong; bóng trăng đêm bàng bạc nhảy múa trên giòng suối và cảnh mặt trời lặn giữa các vầng mây muôn màu rực rỡ là mỹ cảnh của Tây Ðài. Bắc Ðài có tên là Diệp Ðẩu phong, có chùa Linh Ứng là đỉnh núi địa đầu đón giá lạnh của miền Bắc, mùa đông băng tuyết phủ giăng, là địa điểm ngắm cảnh bao la của thảm tuyết trải dài vô tận về phương Bắc. Trung Ðài, có tên là Thúy Diệp phong, với ngôi Vân Triều tự, là địa điểm trung ương có cái nhìn toàn diện phong cảnh tuyệt vời của cả vùng. Trung tâm Ngũ Ðài sơn, một vùng đất bằng ở độ cao 1600 thước là Ðài Hoài trấn, từng là nơi qui tụ cơ sở hành chánh và quân sự của miền Bắc, cũng là nơi qui tụ các ngôi đại tự chính của Ngũ Ðài như : Ðại Hiển Thông tự, Bồ Tát tự, Ðại Tháp viện tự, Thù Tượng tự, Phật Quang tự, Ðãng Loa đỉnh tự...
Ngũ Ðài sơn được tôn kính là thánh địa của Bồ Tát Văn Thù, niềm tin nầy đã xuất hiện ngay vào khoảng thế kỹ thứ nhứt dương lịch. Theo truyền thuyết thì các vị cao tăng Thiên Trúc, trong đó có Ngài Ca Diếp Ma Ðằng, sau khi nghiên cứu kinh điển đã đoan quyết vùng Ngũ Ðài chính là trụ xứ địa của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, nên đã hành hương Ngũ Ðài sơn đảnh lễ Ngài Văn Thù. Ngài Ca Diếp Ma Ðằng cũng là vị tăng đầu tiên phát nguyện ở lại Ngũ Ðài hoằng dương Phật Pháp. Trong những thế kỹ kế tiếp, chư tăng Thiên Trúc, Nepal, Tây Tạng cũng lần lượt hành hương chiêm bái, có vị đã được Bồ Tát Văn Thù hiển thánh tiếp kiến, như chuyện của Ngài Phật Ðà Ba Lợi và Ngài Pháp Chiếu (tổ tịnh độ thứ tư Tịnh Ðộ tông). Vào thế kỷ 20, Ngài Hư Vân hòa thượng nhứt bộ nhứt bái hành hương Ngũ Ðài sơn kể lại đã gặp một người hành khất tên Văn Cát giúp đỡ, về sau mới được biết người ăn mày nầy chính là Ngài Văn Thù thị hiện.
3. Hiển Thông tự : Ðây là ngôi đại tự đã bắt đầu xây dựng từ cuối thế kỹ thứ nhứt và có tên là Ðại Thù Linh Ứng tự, đến đời Minh đổi thành Ðại Hiển Thông tự. Hiển Thông tự từng được các tổ sư danh tiếng như Ca Diếp Ma Ðằng (?), Thanh Lương Trừng Quán (tổ thứ 4 Hoa Nghiêm tông)... trụ trì, được tôn kính là ngôi chùa lãnh đạo toàn thể tự viện Ngũ Ðài, là địa điểm mà chư tăng khắp Ngũ Ðài tề tựu về đây để hành đại lễ, giới đàn...
Hiển Thông tự với diện tích rộng 120 mẫu tọa lạc trên ngọn Ứng Phong, gồm có nhiều ngôi điện rộng lớn, đặc biệt ngoài điện Ðại Văn Thù với tượng Bồ Tát cỡi sư tử, còn điện Thiên Bát Văn Thù, với tượng Bồ Tát Văn Thù năm đầu, mười một mặt, ngàn tay ẩn hiện ngàn tượng Phật Thích Ca và ngàn bình bát. Ngoài ra, còn có điện Vô Lượng Phật rộng 28.2 thước x 16 thước trong có chứa bộ huyết Kinh Ðại Phương Quảng Hoa Nghiêm trên lụa trắng (Theo sử liệu thì tổ Hám Sơn đã chủ trì pháp hội Thủy Lục tại đây và đã đặt bộ kinh Hoa Nghiêm do ngài đích thân viết bằng máu tại tháp chùa, không biết có phải đúng là bộ kinh nầy không?). Ngôi điện nhỏ mà nổi tiếng là ngôi điện hai tầng xinh xắn, toàn bằng đồng (10 vạn cân), trên vách chạm trổ tinh vi có đến mười ngàn tượng Phật nhỏ.
4. Văn Thù tự : Chùa tọa lạc trên Bồ Tát đỉnh, đường lên đỉnh gồm 108 nấc thang rộng rãi, hai bên đầy hàng quán bày bán Phật cụ, đồ vật kỹ niệm, hay thức ăn nước uống. Ðây là nơi nổi tiếng linh thiêng vì theo truyền thuyết thì Bồ Tát Văn Thù đã thị hiện tại đỉnh nầy. Chùa có nhiều điện to lớn và phòng ốc mênh mông nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 50 tăng lưu trú. Chùa có nguyên ủy là theo Phật Giáo Bắc Tông, nhưng vào đời nhà Thanh chẳng biết vì lý do gì chùa đã chuyển giao cho các vị Lạt Ma Tây Tạng (hồng mạo phái) nắm giữ. Do đó, tuy kiến trúc và hình thức thờ phượng vài điện còn giữ theo truyền thống Trung Quốc (thí dụ như Văn Thù điện), một số kiến trúc và hình thức thờ phượng nơi khác lại mang sắc thái Lạt Ma giáo.
5. Lộ Ðại Trí : là con đường xây dựng bằng 1080 nấc thang đá, đưa lên Ðãng Loa đỉnh. Chùa Ðãng Loa có tầm nhìn thấy toàn cảnh Ngũ Ðài, nên rất thuận tiện để chiêm ngưỡng hiện tượng đèn trí huệ di chuyển (Tổ Hư Vân đã mục kích hiện tượng đèn trí tuệ tại đây). Ðây là một ngôi chùa Tịnh Ðộ tông hiếm hoi tại Ngũ Ðài, có điện thờ Tây Phương Tam Thánh rất to, ngôi điện nhỏ nổi tiếng là Ngũ Phương Văn Thù điện.